Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TƯ CÁCH PHÁP LÝ CỦA DOANH NGHIỆP

Trong đời sống xã hội, con người giao tiếp với nhau trên rất nhiều lĩnh vực: tín ngưỡng, tình cảm, văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, chính trị, kinh doanh…Có thể nói ở hầu hết hết các lĩnh vực đó đều có sự điều chỉnh của Nhà nước bằng công cụ pháp luật xuất phát từ yêu cầu quản lývà kiểm soát mọi hoạt động đang diễn ra trong xã hội nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị và an ninh trật tự công cộng. Những quan hệ xã hội (quan hệ người – người) phù hợp quy định của pháp luật thì được Nhà nước bảo vệ và khuyến khích phát triển.
Ngược lại, những quan hệ bất hợp pháp sẽ bị ngăn chặn, xử lý. Nhằm xác định tính hợp pháp hay không đối với từng loại hoạt động nhất định, con người (cá thể hoặc nhóm) trước pháp luật được Nhà nước công nhận một tư cách pháp lý. Trong bài này, người viết muốn góp một số ý kiến về việc sử dụng thuật ngữ liên quan đến tư cách pháp lý của doanh nghiệp trong quan hệ kinh doanh.
1. Các loại tư cách pháp lý
Trong quan hệ giữa người với người, các bên được gọi là chủ thể. Trên nguyên tắc, mọi cá nhân đều có tư cách pháp lý, nhưng với tổ chức thì không phải. Để được Nhà nước công nhận có tư cách pháp lý, chủ thể cần phải đáp ứng ít nhất một hoặc cả hai điều kiện sau:

- Có khả năng hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (năng lực pháp luật)
- Có khả năng thực tế (được pháp luật thừa nhận) để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý (năng lực hành vi)
a. Tư cách thể nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một cá nhân (con người bằng xương, bằng thịt). Người này được gọi là thể nhân. Mỗi cá nhân đang hiện hữu trong xã hội đều được Nhà nước công nhận tư cách thể nhân, bất kể họ đã trưởng thành hay chưa, có nhận thức được hoặc phát triển có bình thường hay không. Điều này nhằm ràng buộc mọi con người sống trong cộng đồng phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật, không được “sống ngoài vòng pháp luật” để có thể thực hiện những hành vi nguy hiểm, xâm hại người khác, phá vỡ trật tự chung nhưng lại lẩn tránh sự trừng phạt của Nhà nước. Thể nhân không nhất thiết phải có đầy đủ cả năng lực pháp luật và năng lực hành vi, nhưng không ai là không có năng lực pháp luật: “ Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết” (Điều 16 Bộ luật dân sự năm 1995).
- Nếu chỉ có năng lực pháp luật, thể nhân chỉ tham gia quan hệ pháp luật một cách gián tiếp, nghĩa là phải thông qua người đại diện trước pháp luật ( thí dụ: giám hộ của người bị bệnh tâm thần nhưng có tài sản được hưởng thừa kế, có quyền nhân danh người này để góp vốn vào công ty nhằm phục vụ lợi ích cho người bị bệnh). Khi ấy, thể nhân không có tư cách pháp lý độc lập vì không thể tự mình quyết định hành xử quyền của chính mình, cũng không chịu trách nhiệm pháp lý nếu gây tổn hại cho người khác (thí dụ người tâm thần đốt nhà, hủy hoại tài sản của người khác thì giám hộ của người này phải bồi thường thay).
- Nếu có cả năng lực pháp luật lẫn năng lực hành vi, thể nhân có quyền tham gia quan hệ pháp luật một cách trực tiếp, tự mình quyết định và trực tiếp hành xử các quyền luật định, cũng như hoàn toàn có khả năng gánh vác mọi hậu quả pháp lý bất lợi (bị xử phạt)khi vi phạm pháp luật mà không có ai phải chịu trách nhiệm thay. Nguyên tắc chung là người thành niên (đã đủ 18 tuổi), có nhận thức bình thường và không mắc khuyết tật nghiêm trọng về thể chất như mù loà, câm điếc, liệt chi…đều là thể nhân có tư cách pháp lý độc lập.
b. Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) có khả tồn tại và hoạt động độc lập trước pháp luật. Tổ chức này được gọi là pháp nhân (là con người trên phương diện pháp lý chứ không phải con người thực thể). Khác với thể nhân, không phải tổ chức nào, tập thể nào cũng đều được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Theo điều 94 BLDS năm 1995, một tổ chức muốn được công nhận tư cách pháp nhân phải hội dủ các điều kiện cơ bản sau:
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Nhân danh mình tham gia các quan hệ xã hội một cách độc lập.
Một pháp nhân luôn luôn đảm bảo có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi.
Theo điều 110 BLDS năm 1995, ở nước ta có các loại pháp nhân sau:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội;
- Tổ chức kinh tế;
- Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp;
- Quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
- Các tổ chức khác có đủ điều kiện quy định tại điều 94 BLDS.
Ngoài thể nhân, pháp nhân, những tổ chức không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên cũng có thể được Nhà nước công nhận tư cách pháp lý nhưng không tồn tại độc lập trước pháp luật, mà phía sau nó luôn có một hoặc một số chủ thể độc lập khác điều khiển và chịu trách nhiệm về hoạt động của nó.
c. Một số tư cách pháp lý đặc biệt:
Hộ gia đình, tổ hợp tác là những tập thể chỉ được luật pháp cho phép tham gia một số quan hệ pháp luật nhất định như: quan hệ đất đai, quan hệ dân sự, thương mại,…nhưng lại đòi hỏi các thành viên của tập thể phải liên đới chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân đối với các nghĩa vụ tài sản của tập thể, nếu tài sản chung không đủ đảm bảo (xem Bộ luật dân sự 1995, chương IV từ điều 116 đến 129).
Các đơn vị trực thuộc một pháp nhân như văn phòng đại diện, chi nhánh đều hoạt động dưới danh nghĩa của pháp nhân. Pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện (điều 100 bộ luật dân sự).
Như vậy, các chủ thể trên không có tư cách pháp lý độc lập, chỉ tham gia những quan hệ mà pháp luật cho phép.
2. Các loại chủ thể phổ biến tham gia quan hệ kinh doanh
Quan hệ kinh doanh thường diễn ra trên hai lĩnh vực: quản lý nhà nước và giữa người kinh doanh với các đối tượng khác trong sản xuất, trao đổi, lưu thông, phân phối,… Theo đó chủ thể tham gia các quan hệ này thường bao gồm:
- Cơ quan nhà nước (phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, quản lý thị trường, hải quan , thanh tra…).
- Người lao động.
- Nhà đầu tư (thành viên góp vốn, liên doanh, liên kết, chủ nợ,…).
- Người tiêu thụ.
- Doanh nghiệp.
Theo luật, cơ quan nhà nước là pháp nhân. Người lao động là cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe, tay nghề đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng…Có tư cách thể nhân. Nhà đầu tư, người tiêu thụ, tùy từng đối tượng có thể là pháp nhân, thể nhân, hộ gia đình , tổ hợp tác…
Riêng về doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta hiện đang tồn tại rất nhiều loại hình kinh doanh khác nhau: hộ cá thể, nhóm kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam…Xét ở góc độ pháp lý, có thể chia các loại hình kinh doanh nói trên làm hai loại: doanh nghiệp (kinh doanh ở quy mô đủ lớn) và các chủ thể kinh doanh nhỏ (hộ cá thể, nhóm kinh doanh). Hai loại hình này được điều chỉnh bởi các quy chế pháp lý khác nhau. Thí dụ doanh nghiệp phải hạch toán sổ sách với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan tài chính, phải nộp các khoản thuế riêng rẽ theo các luật thuế, có thể được tuyên bố phá sản…Còn các chủ thể kinh doanh nhỏ thì không áp dụng những quy chế trên.
Hiện nay có 9 loại hình doanh nghiệp đang hoat động theo luật (không kể các doanh nghiệp đoàn thể của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội đang trong quá trình chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Nghị định 63 của Chính phủ). Đó là:
- Doanh nghiệp nhà nước được đầu tư 100% vốn ngân sách, hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995.
- Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ của người lao động để giúp nhau thực hiên có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống – hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 1996.
- Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 1999, bao gồm:
+ Doanh nghiệp tư nhân, do một cá nhân duy nhất làm chủ đầu tư.
+ Công ty TNHH 1 thành viên, do một tổ chức có tư cách pháp nhân làm chủ đầu tư.
+ Công ty TNHH nhiều thành viên do các nhà dầu tư có quan hệ thân thiết với nhau liên kết thành lập nhằm mục đích sinh lợi, mỗi chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp đến hết phần vốn góp của mình.
+ Công ty cổ phần là doanh nghiệp có quyền huy động vốn góp bằng cách bán cổ phần ra công chúng với mệnh giá thấp. Cổ đông tham gia được xác nhận vốn góp bằng cổ phiếu (là một loại chứng khoán) nên thuận lợi trong việc chuyển nhượng và chỉ chịu trách nhiệm đối với hoạt động của công ty trong phạm vi vốn góp.
+ Công ty hợp danh là công ty được thành lập và quản lý bởi các thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh là những cá nhân có quan hệ mật thiết và tín nhiệm lẫn nhau, đồng thời cũng là những nhà quản trị có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm về ngành nghề kinh doanh, họ phải liên đới chịu trách nhiệm trên toàn bộ sản nghiệp của mình đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty.
- Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000), bao gồm :
+ Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở liên kết giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
+ Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp do một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài thành lập và làm chủ.
(Theo Luật thương mại năm 1997, các cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác nếu có đủ điều kiện hoạt động thương mại và đã có đăng ký kinh doanh với cấp có thẩm quyền thì được gọi là thương nhân).
Tất cả các doanh nghiệp nêu trên đều được Nhà nước công nhận tư cách pháp lý để tham gia quan hệ kinh doanh.
3. Một vài suy nghĩ về cách hiểu và sử dụng thuật ngữ “tư cách pháp nhân” của một bộ phận người tham gia kinh doanh
- Nhầm lẫn giữa tư cách pháp nhân với tư cách pháp lý nói chung.
Như đã nêu, tư cách pháp nhân chỉ được công nhận cho tổ chức. Không thể nói rằng chính quyền địa phương xác nhận tư cách pháp nhân cho ông A, bà B để đứng ra lập công ty hay để được bổ nhiệm vào một chức vụ quản lý nào đó.
Cũng không thể cho rằng một doanh nghiệp, thí dụ doanh nghiệp tư nhân (DNTN), vì chỉ có một cá nhân duy nhất đầu tư, làm chủ và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh bằng tất cả sản nghiệp của chính mình (kể cả tài sản ngoài kinh doanh), từ đó đi đến nhận thức rằng doanh nghiệp đó có tư cách thể nhân. Ơ đây cần có sự phân biệt tư cách pháp lý của một đơn vị kinh doanh với tư cách của người tạo lập ra nó. Đơn vị kinh doanh, dù thuộc loại hình nào, cũng luôn luôn là một tổ chức mà ở nơi đó có sự kết hợp các yếu tố vốn đầu tư (của chủ doanh nghiệp), sức lao động (của người làm thuê, và cũng có thể của chính người bỏ vốn) cùng với cơ sở vật chất như nhà xưởng, thiết bị, dây chuyền sản xuất,…để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt đối với doanh nghiệp, một trong những dấu hiệu phân biệt với các loại hình kinh doanh nhỏ là phải có nhu cầu thuê lao động thường xuyên. Khó có thể hình dung một doanh nghiệp (không phải chủ thể kinh doanh nhỏ) làm ăn chân chính lại chỉ có duy nhất một người bỏ vốn tự thân hoạt động, tự giao dịch, tự điều hành, quản lý, kể cả hạch toán sổ sách, trông coi tài sản,…tồn tại trên thực tế ?? Trong trường hợp này, rõ ràng chủ doanh nghiệp có tư cách thể nhân chứ doanh nghiệp thì không!.
Tuy nhiên DNTN cũng không có tư cách pháp nhân vì không chịu trách nhiệm độc lập đối với nợ nần trong kinh doanh. Người chịu trách nhiệm là chủ doanh nghiệp : “DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp” (Điều 99 Luật doanh nghiệp). Nếu thua lỗ nghiêm trọng, chủ DNTN phải dùng cả tài sản riêng không đầu tư kinh doanh để chi trả cho kỳ hết nợ mới thôi. Như vậy, DNTN không thể tiếp tục hoạt động khi chủ của nó mất năng lực trách nhiệm dân sự (phát bệnh tâm thần, tử vong,…). Ngoài ra, một trong những nét đặc trưng của pháp nhân theo pháp luật Việt Nam là phải có một khối tài sản riêng độc lập với tất cả chủ thể khác, kể cả những người đã tạo lập ra nó. Điều này nhằm đảm bảo năng lực trách nhiệm dân sự độc lập như đã nêu trên. Thế nhưng, DNTN lại không sở hữu bất kỳ một tài sản nào vì “Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của DNTN không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp” (Điều 22.2 Luật doanh nghiệp). DNTN chỉ được quyền sử dụng tài sản (thông qua người quản lý ) mà không có quyền sở hữu, nên vì thế nó không có quyền độc lập về tài sản trong kinh doanh. Như vậy, không phải tổ chức nào cũng có tư cách pháp nhân. Có thể hiểu DNTN có tư cách pháp lý hạn chế trong kinh doanh, hoạt động phụ thuộc vào danh nghĩa và năng lực pháp lý của người chủ doanh nghiệp.
- Một nhận thức nữa cũng lệch lạc khi cho rằng mọi tổ chức ra đời và hoạt động hợp pháp đều có tư cách pháp nhân.
Tính chất hợp pháp của một doanh nghiệp chỉ chứng tỏ rằng hoạt động của nó đã được luật pháp thừa nhận. Nếu bị xâm hại, người đại diện của nó có thể khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ. Ngược lại, nếu hoạt động của nó gây thiệt hại cho người khác, nó bị buộc phải chấm. Dứt và có thể phải khắc phục hậu quả. Còn khả năng hoạt động một cách độc lập trong quan hệ pháp lý thì lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu luật định như đã nói ở trên. Sự tồn tại của các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh (CTHD), các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đã thể hiện rõ điều đó. Đằng sau DNTN và CTHD là các ông chủ doanh nghiệp, còn phía sau các chi nhánh, văn phòng đại diện là các doanh nghiệp mà nó trực thuộc, sẽ nắm quyền quyết định (đặc biệt trong việc định đoạt tài sản), kèm theo trách nhiệm giải quyết mọi hậu quả pháp lý về tài sản do chúng gây ra.
Theo pháp luật hiện hành, để được xem là tồn tại hợp pháp, doanh nghiệp phải trải qua thủ tục đăng ký kinh doanh. Và để được chấp nhận việc đăng ký, người sáng lập chỉ cần đảm bảo cho doanh nghiệp của mình có tên, địa chỉ trụ sở theo yêu cầu luật định, có tài sản để hoạt động và thêm các chứng chỉ nếu kinh doanh những ngành nghề đặc biệt (như chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ về vốn pháp định). Như vậy, doanh nghiệp ra đời một cách hợp pháp không nhất thiết phải sở hữu một khối tài sản riêng, chẳng hạn như trường hợp được quy định ở điều 22.2 Luật doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là những doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân dù rằng chúng được thành lập hợp pháp theo Luật doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp hợp pháp sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp con dấu tròn… Không ít người từng cho rằng con dấu đó là dấu hiệu của tư cách pháp nhân. Thật ra, con dấu chỉ là một trong những yếu tố xác định danh nghĩa của một tổ chức hợp pháp bên cạnh tên, địa chỉ trụ sở, số tài khoản, người đại diện,… Những tổ chức không độc lập cũng có đầy đủ các yếu tố trên. Vấn đề ở đây là với danh nghĩa đó, liệu chủ thể có tự nhân danh và chỉ nhân danh chính mình để hoạt động hay không? Rõ ràng có sự khác biệt rất lớn trong hoạt động của một doanh nghiệp độc lập với các doanh nghiệp không độc lập, với các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp. Do phải dùng toàn bộ sản nghiệp để đảm bảo nợ nần của doanh nghiệp, nên khi DNTN bị phá sản thì chủ DNTN cũng đã “phá sản” theo (chỉ tình trạng phá sản thực tế của người chủ chứ pháp luật phá sản ở Việt Nam chưa áp dụng cho cá nhân). Chủ DNTN có tư cách nguyên đơn, bị đơn trong thủ tục tranh tụng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Công ty mẹ cũng đương nhiên là nguyên đơn, bị đơn đứng ra giải quyết các hậu quả pháp lý trước toà án do chi nhánh hay văn phòng đại diện của mình gây ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp độc lập (bao gồm doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn) dều có đầy đủ tư cách tham gia tranh tụng trực tiếp trong các vụ kiện. Khi các doanh nghiệp độc lập này bị tuyên bố phá sản, tài sản riêng của chủ doanh nghiệp (những người góp vốn) được bảo toàn mà không phải bị trưng dụng để trả nợ.
Tóm lại, không nên hiểu mọi doanh nghiệp đều có tư cách pháp nhân, mặc dù tất cả các loại hình kinh doanh ra đời hợp pháp đều được Nhà nước công nhận tư cách pháp lý để hoạt động. Nhưng cũng không có doanh nghiệp nào là có tư cách thể nhân. Tư cách pháp lý (bao hàm danh nghĩa pháp lý) của chủ doanh nghiệp và của doanh nghiệp là hoàn toàn tách bạch nhau, có thể độc lập hoặc phụ thuộc nhau nhưng không thể trùng nhau được.
Tư cách pháp nhân không được Nhà nước công nhận cho các tổ chức một cách đương nhiên như việc công nhận tư cách pháp lý của con người thật (cá nhân) mà phải dựa trên các điều kiện luật định. Thuật ngữ “tư cách pháp nhân không dùng để chỉ tư cách pháp lý của cá nhân. Tư cách pháp lý của mọi chủ thể là do Nhà nước công nhận chứ không phải là một sự “tự công nhận”, nhưng đối với tổ chức đó là sự công nhận minh thị (có xác nhận pháp lý , thí dụ như giấy “chứng nhận đăng ký kinh doanh” của doanh nghiệp ).
Mặt khác, để một pháp nhân có thể hành xử quyền độc lập,đặc biệt trong hoạt động kinh doanh, thì chủ đầu tư nhất thiết phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đầu tư khi thành lập doanh nghiệp. Ở tất cả các loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, trừ doanh nghiệp nhà nước, sự chuyển quyền sở hữu là một yêu cầu luật định , không có gì để bàn cãi. Trong khi đó, Luật DNNN năm 1995 (điều 1) xác định minh thị tư cách pháp nhân của DNNN : “ Doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động, kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý”, nhưng lại không có quy định nào về việc chuyển quyền sở hữu. Có thể nói quy định trên hoàn toàn không khả thi trong việc đảm bảo tính chủ động, độc lập cả về quyền lẫn trách nhiệm dân sự của loại hình doanh nghiệp này. Khi thành lập DNNN, Nhà nước chỉ giao quyền quản lý và sử dụng vốn, tài sản cho doanh nghiệp theo mục tiêu đã xác định (kinh doanh hoặc công ích) chứ không giao quyền sở hữu. Điều này tạo điều kịên cho cơ quan quản lý can thiệp một cách chủ quan, tuỳ tiện khi cho là cần thiết. Và hậu quả của những sự can thiệp đó là doanh nghiệp thường gặp phải những khó khăn trong những quyết định về tài chính của mình, rồi cuối cùng vẫn cứ trông chờ Chính phủ xem xét, hỗ trợ giải quyết khi làm ăn không hiệu quả. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý “cha chung không ai khóc”, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách của những người lãnh đạo doanh nghiệp và kéo dài những tồn tại biến tướng của cơ chế bao cấp: khoanh nợ, xoá nợ,…đối với loại doanh nghiệp này. Như vậy, một lần nữa có thể thấy sự hữu ích của việc chuyển đổi từ DNNN hoạt động kinh doanh sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, khi ấy đòi hỏi Nhà nước phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đầu tư như các nhà đầu tư khác. Đây là một giải pháp quan trong trên con đường tiến tới cởi trói thật sự cho DNNN, dứt khoát với tư tưởng bao cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trên đây chỉ là một số ý kiến nhỏ bé nhằm hướng đến sự thống nhất trong ngôn ngữ khi sử dụng các thuật ngữ liên quan đến tư cách pháp lý của doanh nghiệp, một chủ thể quan trọng của quan hệ kinh doanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét