Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu: Giằng co giữa lý với tình

Theo Dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ mà Chính phủ ban hành thì hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đang được Bộ Công thương gấp rút hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành để kịp có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Sẽ không có gì phải giằng co nếu như hai từ “thiết yếu” được làm rõ ngay từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Bảo vệ người giàu?
Theo bản Dự thảo mới nhất vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, có 15 loại dịch vụ, hàng hóa trong danh mục này, trong đó có những hàng hóa, dịch vụ mà nhiều người cảm nhận là không thiết yếu lắm.

“Tôi rất mừng là ôtô, nhà ở được xếp và loại hàng hoá thiết yếu. Như vậy thì dân ta quá giàu!”- ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (VN)phát biểu. Ông Lộc cho rằng, nói đến hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là nói đến những thứ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày mà không có không sống được. Trong danh mục hàng hóa, dịch vụ đó thì bảo hiểm mới là cuối cùng. “Bảo hiểm mà được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ, thiết yếu thì nằm mơ tôi cũng không thấy được thị trường bảo hiểm lại phát triển đến vậy!”. Ông Lộc nói.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank, trong danh mục 15 hàng hóa, dịch vụ đó nhặt ra chỉ có 3 dịch vụ tạm được coi là “thiết yếu”, đó là dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt; dịch vụ thuê bao điện thoại cố định. Ông Trương Đình Song, Hiệp hội Ngân hàng VN thẳng thừng: “ Chỉ có 2 dịch vụ là cung cấp điện sinh hoạt và cung cấp nước sạch sinh hoạt là thiết yếu, còn lại là hàng hóa, dịch vụ cho người giàu”. Ông Song đề nghị: “Như vậy nên chăng gọi là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu”.

Một loạt các hàng hóa, dịch vụ mà Dự thảo đưa ra được nhiều ý kiến xếp vào dịch vụ cho người giàu như: Mua, bán ôtô mới, mua bán nhà, căn hộ mới; dịch vụ quản lý khu đô thị, khu chung cư; dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt; dịch vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt; dịch vụ truyền hình trả tiền; dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động (ATM); dịch vụ thẻ tín dụng (Credit Card)...
Thêm thủ tục hành chính
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương), ông Bạch Văn Mừng, danh mục hàng hóa dịch vụ này không cố định mà có thể bổ sung hoặc bỏ ra tùy theo tình hình, và việc đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan Nhà nước (Bộ Công thương) rất đơn giản. Cơ quan này chỉ xem và “thổi còi” các chi tiết bất lợi đến quyền lợi NTD, còn các chi tiết khác như DN bán hàng hóa dịch vụ với giá nào, cơ quan này không can thiệp. Tuy nhiên, ông Vũ Anh (Vinaconec) lại tỏ ra nghi ngờ vì quy trình trả đi, nộp lại, rồi lại sửa, trả... không phải là ngày một ngày hai, nhất là khi cơ quan quản lý Nhà nước phải có ý kiến chứ không phải đăng ký một cách tự động, cứ đưa lên không có ý kiến là cứ thế mà triển khai... Ông Anh đề nghị không nên đưa ôtô, nhà ở vào danh mục này.

“Khi chung cư đang lên cơn sốt, hợp đồng đưa ra kiểu gì người mua cũng ký, nhưng khi thị trường ế ẩm, người mua soi rất kỹ, yêu cầu sửa hợp đồng, yêu cầu nào chúng tôi cũng đồng ý hết, chưa kể với mỗi khách hàng, loại sản phẩm lại có hợp đồng khác nhau...”, ông Anh nói.

Còn ông Phùng Đắc Lộc cho biết, trước đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị không đưa bảo hiểm vào danh mục này. “Theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm do Chính phủ ban hành, Chính phủ giao Bộ Tài chính. Mỗi sản phẩm có mẫu hợp đồng riêng, DN bảo hiểm không được sửa một chữ. Thậm chí DN Bảo hiểm ra sản phẩm mới Bộ Tài chính phê duyệt mới được bán, trình lên trình xuống cũng mất 5-6 tháng, các DN cho đó là một loại giấy phép con. Giờ lại bắt đăng ký với Bộ Công thương, chẳng lẽ bắt Chính phủ đăng ký với Chính phủ?”, ông Lộc phân tích. “Thêm nữa, theo quy định của WTO, các chi nhánh của các công ty bảo hiểm nước ngoài được bán bảo hiểm, xong nó đưa về công ty mẹ hết, liệu Bộ Công thương có quản lý được không?”. Câu hỏi không có câu trả lời ngoài việc cơ quan soạn thảo lưu ý theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, nếu DN vẫn duy trì những điều khoản bất lợi cho NTD thì khi tranh chấp xảy ra đương nhiên những điều khoản đó vô hiệu.

Mổ xẻ khái niệm “thiết yếu”
4 tiêu chí xác định Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung

1. Hàng hóa, dịch vụ thường được các tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hình thức hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi giao kết với NTD.

2. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, thường xuyên của nhiều NTD.

3. Hàng hóa, dịch vụ do một hoặc một nhóm DN có vị trí độc quyền hoặc DN có vị trí thống lĩnh thị trường cung cấp.

4. Hàng hóa, dịch vụ mà trên thực tiễn ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra vi phạm quyền lợi của NTD thông qua hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

(Theo Tờ trình của Bộ Công thương)
Khoản 1, Điều 19, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu sẵn, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi NTD”.

Tuy nhiên, Luật lại không giải thích như thế nào là “thiết yếu”, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cũng không. Theo Từ điển tiếng Việt năm 1992 của Viện ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, thì: “Thiết yếu là rất cần thiết, không thể thiếu được”. Sưu tầm các vào bản quy định về hàng hoá, dịch vụ “thiết yếu” từ năm 1980 đến nay, Luật sư Thương Thanh Đức cũng không tìm được sự đồng cảm giữa các loại hàng hóa, dịch vụ mà Dự thảo đưa ra với các văn bản trước đó đã ban hành. “Mỗi thời một khác, khi thì lương thực, chất đốt, nước mắm, xà phòng..., thậm chí là sắt thép, xi măng..., nhưng chẳng có hàng hóa, dịch vụ nào như kiểu ôtô, nhà ở”, Luật sư Đức quả quyết.

Theo tờ trình của Bộ Công thương, thì Bộ này đã đưa ra 4 tiêu chí để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ đưa vào danh mục phải đăng ký hợp đồng mẫu, trong đó “thiết yếu” chỉ là một trong 4 tiêu chí. “Khi xây dựng luật này, các nhà làm luật cũng băn khoăn hai từ “thiết yếu”, nhưng nhận thấy đây là vấn đề bức xúc, cần phải bảo vệ, cuối cùng các đại biểu quốc hội cũng thông qua. Thiết yếu ở đây được hiểu là bảo vệ NTD...”, ông Mừng giải thích. “Cái tình lớn nhất là bảo vệ NTD. Đó là việc cần thiết và tôi cho rằng cần nhiều hàng hóa, dịch vụ đưa vào danh mục này hơn. Nhưng nếu như thế này thì trái luật quá!”, Luật sư Trương Thanh Đức băn khoăn. Theo LS Đức, trong trường hợp muốn mở rộng phạm vi đăng ký như Dự thảo, thì phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD hoặc ít nhất là cũng cần hợp pháp hóaoá trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét