Ngày 24/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng hành chính, thay thế cho Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi là Pháp lệnh).
Luật Tố tụng hành chính được thông qua với 18 chương và 265 Điều, quy định nhiều nội dung mới cũng như bãi bỏ nhiều nội dung quan trọng trong Pháp lệnh, theo hướng mở rộng quyền dân chủ của công dân khi khởi kiện vụ án hành chính.
Bỏ thủ tục “tiền tố tụng”
Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong Luật Tố tụng hành chính là bãi bỏ thủ tục tiền tố tụng – thủ tục bắt buộc đối với người khởi kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính theo Pháp lệnh trước đây. Theo đó, công dân không phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thời hiệu khởi kiện theo đó cũng thay đổi và không còn phức tạp như trong Pháp lệnh. Thời hiệu được quy định trong Luật Tố tụng hành chính lần lượt là (i) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; (ii) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; (iii) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

Mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án
Khác với Pháp lệnh trong việc xác định những loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nay Luật Tố tụng hành chính không quy định theo hướng liệt kê 21 loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà quy định theo hướng loại trừ những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án, số còn lại sẽ do Tòa án giải quyết. Theo đó, những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm: các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Phân biệt thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện
Trong trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại, thì thẩm quyền giải quyết sẽ được xác định theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Điều này làm tăng thêm quyền tự do cho công dân và khác hoàn toàn với việc phân định thẩm quyền trong trường hợp tương tự được quy định trong Pháp lệnh. Cụ thể pháp lệnh quy định luôn thẩm quyền cho Tòa án nếu người khởi kiện vừa khởi kiện vừa khiếu nại, còn nếu nhiều người vừa khởi kiện vừa khiếu nại lần hai thì thẩm quyền thuộc người giải quyết khiếu nại lần 2 (Điều 13 Pháp lệnh).
Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ 01/07/2010, đồng thời Luật này cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Đất đai.